Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh (1)
Quán (2) Tự Tại Bồ Tát hành thâm (3) Bát Nhã Ba La Mật Đa thời (4), chiếu kiến (5) ngũ uẩn(6) giai (7) không, độ (8) nhất thiết (9) khổ ách.
Xá Lợi Tử (10) ! Sắc bất dị (11) không, không bất dị sắc ; sắc tức thị (12) không, không tức thị sắc; thọ tưởng hành thức diệc (13) phục như thị (14).
Xá Lợi Tử ! Thị chư (15) pháp không tướng, bất sanh bất diệt (16), bất cấu (17) bất tịnh (18), bất tăng bất giảm. Thị cố không trung (19) vô sắc, vô thọ tưởng hành thức; vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý (20); vô sắc thinh hương vị xúc pháp (21); vô nhãn giới (22) nãi chí vô ý thức giới (23); vô vô minh (24), diệc vô vô minh tận (25); nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận (26); vô khổ tập diệt đạo (27); vô trí (28) diệc vô đắc (29).
Dĩ vô sở đắc cố, bồ đề tát đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quải ngại. Vô quải ngại cố vô hữu khủng bố (31), viễn ly (32) điên đảo mộng tưởng, cứu cánh (33) niết bàn. Tam thế Chư Phật (34) y (35) Bát Nhã Ba La Mật, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (36).
Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú (37), thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng chú : năng (38) trừ nhất thiết khổ, chân thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật chú, tức thuyết chú viết :
Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế,
Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.
Dịch :
KINH BỔ ÍCH CHO TÂM.
Là Chú Nguyện Rất Thần Thông.
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh
Ngài Bồ Tát Quán tự Tại, lúc thực hành thâm sâu (pháp) Bát Nhã Ba La Mật, (thì) soi thấy rằng năm uẩn đều không có thật. (nương theo đó Ngài) có thể diệt được tất cả mọi khổ ách. (Ngài giảng cho Ngài Xá Lợi Phất rằng) :
Này Xá Lợi Tử ! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc chính là không, không chính là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.
Này Xá Lợi Tử ! Tất cả các pháp đều không (mang hình) tướng, (nên) không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Cho nên ở trong cái không, chẳng có sắc, chẳng có thọ, tưởng, hành, thức; chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; chẳng có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Từ nhãn giới (nhĩ giới, tỉ giới …) cho đến ý thức giới đều không. Không có (cái gọi là) vô minh, (nên) chẳng bao giờ hết vô minh. Cho đến (sự) già chết cũng là không (nên) chẳng thể hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có chi là trí, cũng không có gì (người ta) có thể chiếm hữu được.
Do chỗ không gì có thể chiếm hữu được ấy, nên các vị Bồ Tát mới nương theo trí tuệ mà thành đạo. Tâm (của họ) không bị ngăn ngại, bởi không bị ngăn ngại, nên không khiếp sợ, tránh xa (được) những mộng tưởng điên đảo, lấy viên mãn làm cứu cánh.
Chư Phật Ba Đời cũng nương theo Bát Nhã Ba La Mật mà đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Ay mới biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là chú nguyện rất thần thông, là chú rất rõ ràng, là chú không chi hơn, là chú không chi bằng. Có khả năng diệt trừ mọi thống khổ, chơn thật chẳng dối, cho nên mới gọi là Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Chú niệm rằng :
Độ đi, độ đi, rốt ráo độ đi,
Rốt ráo độ chúng sanh cho đặng giác ngộ, mau chóng thành tựu.
---------------------------------------
Phần chú thích
(1) Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh : kinh này gọi tắt là Tâm kinh. Là bài kinh ngắn nhất của văn hệ Bát Nhã. Còn gọi là Bát Nhã Tâm Kinh hay Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Là tinh hoa của lý Bát Nhã.
Bát nha : Trí tuệ, tánh thể sáng suốt xét soi tự tại
Ba La Mật : Đáo bỉ ngạn, đến bờ bên kia (chỗ Phật)
Bát Nhã Ba La Mật Đa : Trí tuệ siêu việt. Theo đạo Phật, mầm mống của trí tuệ siêu việt vốn sẵn có trong tất cả chúng sinh, nhưng vì vô minh và dục vọng che lấp cho nên chúng sinh không biết. Đạo Phật dạy các pháp môn thực hành để khai thác, phát huy cái vốn trí tuệ Ba La Mật sẵn có trong tự tính mọi người. Trong kinh sách đại thừa, các bộ kinh Bát Nhã chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Nội dung các kinh đó giảng về trí tuệ Bát Nhã là lý không. Những bộ kinh Bát Nhã nổi tiếng nhất lưu hành ở Việt Nam là kinh Kim Cang và Tâm Kinh được tăng ni Việt Nam đọc tụng hằng ngày trong các khóa lễ sớm chiều.
(2) Quán : Xuyên suốt như sợi chỉ. Quan sát. Nhìn ngắm. Xem xét. Quán Tự Tại Bồ Tát : Một cách gọi khác của Bồ Tát Quan Thế Am.
Tự tại : Làm chủ được thân tâm, không bị ngoại cảnh dù nghịch dù thuận chi phối.
(3) Hành thâm : Thực hành thâm sâu
(4) Thời : Khi, lúc.
(5) Chiếu kiến : Soi rọi
(6) Ngũ uẩn : Năm uẩn. Là năm nhóm yếu tố vật chất và tinh thần tạo thành con người.
Sắc uẩn : Là nhóm yếu tố vật chất, tạo ra thân vật chất.
Thọ uẩn : Là nhóm yếu tố tinh thần gọi là cảm thụ hay cảm xúc.
Tưởng uẩn : Là nhóm yếu tố tinh thần làm chức năng tưởng tượng, hình dung ngoại cảnh bằng hình ảnh …
Hành uẩn : Là nhóm yếu tố tinh thần mà công năng chủ yếu là ý chí, ý muốn, quyết định.
Thức uẩn : Là nhóm yếu tố tinh thần, làm công năng hay biết, phân biệt.
Con người chúng ta chỉ là sự tập hợp của năm nhóm yếu tố nói trên, trong đó không có một thực thể nào đơn nhất bất diệt và bất biến được gọi là cái ta hay linh hồn. Nhưng vì si mê, con người lại chấp chặt năm uẩn là mình hay của mình (ngã sở và ngã) và luân hồi sinh tử cùng với cái thân năm uẩn đó. Bậc thánh giác ngộ được cái thân năm uẩn này là không có ngã, không có thực thể, là không rỗng cho nên không bị ràng buộc chi phối bởi cái thân năm uẩn nhờ đó được tự tại, giải thoát.
(7) Giai : Đều, đều là.
(8) Độ : Cứu, giải, trừ, đưa qua bờ bên kia.
(9) Nhất thiết : Tất cả.
(10) Xá Lợi Tử : Tức là ngài Xá Lợi Phất, con của bà Xá Lợi, là vị đệ tử lớn của Phật thích Ca, được xem là trí tuệ đệ nhất. Ngài nhập niết bàn trước Phật và được Phật thụ ký, về sau thành Phật với danh hiệu là Hoa Quang Phật.
(11) Dị : Khác.
(12) Tức thị : Chính là.
(13) Diệc : Cũng. Diệc phục : lại cũng.
(14) Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị : Đoạn này nói tóm lược. Bắt đầu là sắc, rồi đến thọ tưởng hành và thức như sau : Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc chính là không, không chính là sắc. Thọ chẳng khác không, không chẳng khác thọ; thọ chính là không, không chính là thọ. Tưởng chẳng khác không, không chẳng khác tưởng; tưởng chính là không, không chính là tưởng. Hành chẳng khác không, không chẳng khác hành; hành chính là không, không chính là hành. Thức chẳng khác không, không chẳng khác thức; thức chính là không, không chính là thức.
(15) Chư : Các. Chư vị : các vị. Chư pháp : các pháp.
(16) Diệt : Mất, chết.
(17) Cấu : Dơ.
(18) Tịnh : Sạch.
(19) Không trung : Ở giữa cái không.
(20) Nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý : Lục căn, sáu căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
(21) Sắc thinh hương vị xúc pháp : Lục trần, sáu trần, là hình sắc, tiếng tăm, hơi hám, mùi vị, cảm xúc, phương pháp.
(22) Giới : Giới hạn.
(23) Nhãn giới nãi chí vô ý thức giới : Từ nhãn giới cho đến ý thức giới, tức là từ nhãn giới, nhĩ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới cho đến ý thức giới. Là sáu thức. Ý thức là thức thứ sáu. Trong các loại tâm thức thì thức thứ sáu là loại năng nổ, hoạt động nhất, lanh lợi nhất. Nó có tác dụng giúp năm thức kia phân biệt rõ ngoại cảnh. Ví dụ mắt nhìn quả cam. Đó là tác dụng của nhãn thức (cái hay biết của mắt), nhưng thực ra con mắt chỉ thấy được hình tròn, cái màu vàng vàng, còn muốn biết được đấy là quả cam ăn được thì ý thức phải đồng thời khởi tác dụng. Ý thức không những duyên được với năm thức trước, mà có thể duyên được với bóng dáng của những cảnh đo. Ví dụ ta nhắm mắt lại, mắt không nhìn thấy quả cam nữa. Nhưng ý thức vẫn tưởng tượng được bóng dáng, hình dạng của quả cam. Ý thức của con người luôn luôn hoạt động, trừ lúc ngủ say hoặc chết giấc. Người tu định, thành tựu được cảnh giới vô tưởng định, hay diệt tận định thì ý thức cũng không còn hoạt động nữa. Khi thành tựu được cảnh giới gọi là vô niệm, thì ý thức ngừng không hoạt động nữa, nhưng tâm người nhập định vẫn sáng suốt, tỉnh táo.
(24) Vô minh : Mê muội, là cái nhân đầu trong mười hai nhân duyên.
Chủ thuyết đạo Phật phân tích cơ chế luân hồi sinh tử của chúng sinh, trong đó có loài người, qua mười hai nhân duyên (theo thứ tự đời sống quá khứ, hiện tại và tương lai) :
1.Vô minh : Không hiểu hay hiểu sai sự lý.
2.Hành : Hành động tạo nghiệp. Vì tạo nghiệp nên bị nghiệp lực lôi kéo tái sinh ở kiếp hiện tại. (vô minh và hành thuộc về kiếp sống quá khứ)
[3.Thức : Tâm thức, là do có thức mà kết sinh thành bào thai trong bụng mẹ.
4.Danh sắc : Sau đó có hình hài và một vài hoạt động tâm lý sơ bộ nơi bào thai. Danh chỉ cho những hoạt động tâm lý sơ khởi. Sắc chỉ cho hình hài sơ khởi của bào thai.
5.Lục nhập : Bắt đầu hình thành đủ sáu căn năng.
6.Xúc : Bào thai ra khỏi lòng mẹ, sáu căn bèn tiếp xúc với sáu trần.
7.Thọ : Do tiếp xúc với sáu ngoại cảnh mà sinh ra cảm xúc thích thú hay không thích thú.
8.Ai : Do cảm xúc thích thú mà sinh ra ưa thích đam mê.
9.Thủ : Do ưa thích đam mê mà vơ lấy vào mình, chiếm làm của mình.
10.Hữu : Nhưng khi vơ lấy vào mình, làm của mình thì có hành động, có tạo nghiệp.]
Từ thức đến hữu là thuộc về cuộc sống hiện tại [ ]. Trong cuộc sống hiện tại này, chúng sinh vừa chịu nghiệp quả của kiếp sống quá khứ như mang cái thân có sáu căn năng, có xúc thọ, nhưng chúng sinh đồng thời cũng tạo ra nghiệp thân, dẫn tới kiếp sống tương lai. Những nghiệp nhân đó la ái, thủ và hữu. Đam mê, vơ lấy rồi hành động tương ứng là tạo nghiệp nhân cho kiếp sống tương lai. Và bánh xe luân hồi cứ tiếp tục quay mãi. Do đó mà có kiếp sống vị lai là sinh và lão tử.
11.Sinh : Sinh ra ở cõi đời hiện tại.
12.Lão tử : Già và chết.
(25) Vô minh tận : Hết vô minh.
(26) Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận : Đoạn này nói tóm lược. Nói hết là : Vô vô minh, diệc vô vô minh tận. Vô hành, diệc vô hành tận. Vô thức, diệc vô thức tận. Vô danh sắc, diệc vô danh sắc tận. Vô lục nhập, diệc vô lục nhập tận. Vô xúc, diệc vô xúc tận. Vô thọ, diệc vô thọ tận. Vô ái, diệc vô ái tận. Vô thủ, diệc vô thủ tận. Vô hữu, diệc vô hữu tận. Vô sinh, diệc vô sinh tận. Vô lão, diệc vô lão tử tận.
(27) Khổ tập diệt đạo : Tứ diệu đế, bốn chân lý kỳ diệu. Đế là chân lý. Phật Thích Ca, trong bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như, có giảng về bốn chân lý này. Đó là :
1.Khổ đế : Chân lý về sự khổ.
2.Tập đế : Chân lý về nguyên nhân của sự khổ.
3.Diệt đế : Chân lý về cảnh giới thành tựu được sau khi đã diệt được mọi nguyên nhân của sự khổ.
4.Đạo đế : Chân lý về con đường đạo, con đường tu học để diệt khổ.
Kiều : đầy và đủ cho nên xinh đẹp.Trần: phàm đời. Như: y như vậy. Nói chung: ở đời và có đầy đủ tiền năm căn và ý căn = Kiều Trần Như
Trên phương diện cá nhơn tự lực thì nẩy lên một môn khoa học tự nhiên của con người về xử dụng các căn qua giác và qua quan thiệt sự là làm chuyện giao tiếp minh mông…với ngoại tại, nội tại…củng là cá nhơn tự học tự dạy…theo cách KHÔNG: không trường, lớp , thầy, trò…và cách TỰ: tự học, hành,….theo khoa học thông minh , khoa học minh thông ….
(28) Trí : Trí tuệ, trí sáng suốt hiểu biết sự và lý. Theo đạo Phật, trí tuệ không phát sinh một cách tự nhiên, mà chỉ phát sinh trên cơ sở giữ giới và luật nghiêm minh (sống đạo đức) và định tâm (thiền định). Có thể nói trí tuệ là con đẻ của trì giới và tu định. Phật tử được khuyên tu trí và bi. Tu trí là rèn luyện phần trí tuệ. Tu bi là bồi dưỡng ở nơi mình lòng thương xót chúng sinh, thông cảm với nỗi khổ của chúng sinh, làm mọi công việc phúc đức. Tu trí là tu tuệ, tu bi là tu phúc.
(29) Đắc : Được, đạt tới. Đắc đạo là giác ngộ được chân lý, đạt tới đích giác ngộ và giải thoát.
(30) Bồ đề tát đỏa : Viết tắt là Bồ tát. Do chữ bodhi là giác ngộ. Bồ tát là nhân vật tiêu biểu của Phật giáo Đại thừa. Phật tử tu hạnh bồ tát, trên thì cầu đạo giác ngộ vô thượng, tức là quả Phật, dưới thì phát nguyện độ thoát cho tất cả chúng sinh cùng thành Phật đạo như mình. Đặc trưng của vị Bồ tát là tình yêu thương chúng sinh rộng lớn, nghĩa là thực hành hạnh vị tha, đặt căn bản trên phương pháp tu các hạnh Ba La Mật. Trong Phật giáo Nam tông cũng có từ Bồ Tát, nhưng chỉ được dùng để chỉ Phật Thích Ca, khi người chưa thành Phật. Người tu tại gia cũng có thể phát nguyện tu hạnh Bồ tát.
(31) Khủng bố : Sợ sệt. Vô hữu khủng bố : Không có sự sợ sệt.
(32) Viễn ly : Cách xa.
(33) Cứu cánh : Mục đích.
(34) Tam thế Chư Phật : Phật ba đời : Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai.
(35) Y : Nương theo.
(36) A Nậu Đà La Tam Miệu Tam Bồ Đề : Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô Thương Chánh Biến Tri. Tất cả đều chỉ cho quả vị của Phật.
A : Vô.
Nậu Đà La : Thượng
Tam : Chánh
Miệu : Đẳng, biến
Bồ Đề : Giác, tri.
(37) Chú : Chân ngôn.